Kết nối rồi hẳn chỉnh sửa
Một cách trò chuyện với con ở tuổi teen để con thích kể chuyện với ba mẹ.
Mitt: “Ba”
Tôi: “Sao con?”
Mitt: “Mới nãy con chạy xe đạp buông hai tay được rồi đó…”
Tôi giật mình, sao nguy hiểm vậy, nhưng kiềm chế.
Tôi: “wow, đi được bao xa vậy con?”
Mitt hào hứng: “Dạ cỡ khoảng cách con với ba chạy đua hôm bữa, đáng lẽ xa hơn nhưng mà tay lái nó bị sao không giữ xa được nữa!”
Tôi: “Vậy cũng xa, sao con làm được hay vậy?”
Mitt vừa kể vừa dùng tay diễn tả. Tôi kể tiếp cho Mitt hồi nhỏ tôi cũng chơi vậy mà bị té trật cổ tay, ngày hôm sau còn 1 tay lại tập tiếp thế là té trật thêm cổ tay còn lại. Hai cha con cười một trận.
Tôi: “Mà chạy chỗ nào vậy con”
Mitt: “Ở bên chỗ mới mở đó ba, vắng lắm, không có ai đâu!… mà con quên đội nón bảo hiểm hehe”
Mitt vui, tôi cũng vui, vì kết quả là lần tới Mitt sẽ tiếp tục kể cho tôi nghe những trò nghịch, vui của Mitt nữa.
Không phải tự nhiên mà tôi có được cái kiểu trò chuyện với con như vậy, mà nhờ vào một phương pháp tôi không nhớ đã học từ tác giả nào, nhưng nó thay đổi cách tôi ứng xử với con, cũng như với những đồng nghiệp của mình trong những năm gần đây.
Đó là “Connect then correct” (tạm dịch: kết nối rồi hẳn chỉnh sửa)
Một phản ứng tự nhiên là khi mình nghe con nhỏ kể về một điều gì đó chưa đúng ý mình, có thể là về một trò chơi nguy hiểm, một thái độ bất mãn… thì mình, cha mẹ, sẽ “bật” lại ngay, thế là con… im luôn.
Ví dụ:
Con: “Mẹ, con không học cô X nữa đâu, bả thấy ghét lắm!”
Mẹ: “Con nói vậy là hỗn. Cô lớn thì cô….blah…blah…blah…”
Con: …
Mẹ: “Sao vậy? Mẹ đang nói chuyện với con mà!….blah….blah….blah….”
Phương pháp “Connect then correct” hướng dẫn mình cần kết nối trước bằng cách lắng nghe, hòa vào cùng cảm xúc của con, chia sẻ cảm xúc đó với con. Khi con đã thấy được sự cảm thông, thì hãy correct, chính sửa.
Tôi thường không hẳn là chỉnh sửa, mà sẽ hỏi những câu tu từ như “rồi con tính làm gì nữa?”, “con muốn học nữa không?”… hay có khi chẳng cần phải chỉnh sửa gì.
Con đã vào tuổi tween hay teen rồi thì cũng đã có nhận thức, hiểu lý lẽ, nên mấu chốt là giúp con nhận ra vấn đề và con tự sẽ biết rút kinh nghiệm.
Một lần khác gần đây, nhà tôi đến khu căn hộ chỗ anh Hiếu TV (một vloger dạy về tài chính có tiếng) ở. Vợ tôi ở nhà thỉnh thoảng có nghe podcast của anh ấy, nên Mitt tình cờ biết chú Hiếu mới mua xe thể thao. Tôi nói với Mitt hình như chú Hiếu ở đây. Khi ở hầm xe, thì chúng tôi thấy một chiếc xe thể thao đậu riêng ở một góc và trên xe có dán chữ “Hiếu TV”. Thế là Mitt chạy lại gần, săm soi chiếc xe.
Tôi không thích con quan tâm đến những thứ xa xỉ như vậy, có thể nhận thức sai giá trị sống, lại còn đi săm soi đồ của người khác nơi công cộng thật bất lịch sự.
Nhưng bạn Mitt đang thích thú, nên tôi “hòa” vào với bạn “Xe đạp quá ha! mà ở đây có camera, con nhìn vậy camera thấy coi chừng họ hiểu lầm đó nha!” Thế là Mitt đi. Hôm sau vẫn còn nhắc “Xe chú Hiếu xịn quá ba!” “ừ…xịn ha!” (”Xịn cái gì mà xịn, nói hoài, phát bực!” 😜 )
Người ta (không phải người xưa) có câu “cụt tay không bằng cụt….hứng” cho nên mình cứ connect trước đã!